Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn
bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của mỗi quốc gia. Để có bản Hiến pháp vừa được
Quốc hội thông qua với tuyệt đại đa số các đại biểu tán thành là biết bao công
sức, trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tuy nhiên, bản
Hiến pháp với rất nhiều nội dung mới và tiến bộ này chỉ phát huy tác dụng khi
nó thực sự đi vào cuộc sống...
Để việc triển khai thi hành Hiến pháp có hiệu quả, chặt
chẽ, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và thống nhất, ngày 3-1-2014, Ban Bí thư đã
ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam; ngày 2-1-2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành
Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Làm tốt tuyên
truyền, phổ biến Hiến pháp
Trong Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Ban Bí thư và Kế
hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đặc biệt coi trọng đến công tác tuyên
truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hiểu
sâu sắc về Hiến pháp. Điều 4 của Nghị quyết số 64/2013/QH13 đã nêu rõ: “Các cơ
quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác có trách nhiệm tổ
chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam tại cơ quan, tổ chức và địa phương mình, nâng cao nhận
thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tuân
thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã
hội”.
Hơn một tháng trôi qua, kể từ khi Hiến pháp mới có hiệu
lực, công tác tuyên truyền phổ biến Hiến pháp đã được các cấp, các ngành, các
địa phương tích cực triển khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng triệu tập
Hội nghị toàn quốc để phổ biến, quán triệt các văn kiện về Hiến pháp. Các cơ
quan thông tấn, báo chí theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông
tin và Truyền thông cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức
thích hợp để phổ biến nội dung của Hiến pháp, nhất là những điểm mới được bổ
sung; tổ chức tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên về Hiến pháp; giới
thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp đến mọi tầng lớp nhân
dân.
Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều nơi, nhân dân vẫn chưa nắm
chắc, hiểu rõ nội dung Hiến pháp mới; tài liệu phổ biến, giáo dục về Hiến pháp
mới vẫn chưa xuống được các đơn vị cơ sở, đơn vị hành chính cấp xã, phường. Vì vậy,
một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc này là cần tăng cường công tác tuyên
truyền Hiến pháp mới bằng nhiều hình thức. Tài liệu tuyên truyền cần được biên
soạn với nhiều cấp độ, đồng thời phát huy thế mạnh của các cơ quan thông tấn
báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền nhằm
nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Hiến pháp, bảo đảm Hiến pháp được tuân
thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
* Văn bản pháp luật
phải phù hợp với Hiến pháp
Để bảo đảm hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với Hiến
pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra 3 yêu cầu của việc rà soát văn bản
pháp luật, cụ thể là:
Một là, rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật do
các cơ quan ở Trung ương và địa phương ban hành để phát hiện những quy định
trái Hiến pháp phải bị dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành
mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp.
Hai là, ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản
pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính
trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ba là, lập danh mục, xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống
pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công
nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới
các luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp,
các cơ quan Nhà nước cần xem xét, phân loại các chương, điều, khoản của Hiến
pháp. Với những quy định, những điều, khoản đã rõ ràng thì cần áp dụng trực
tiếp mà không cần chờ các văn bản hướng dẫn (Ví dụ một số quy định về quyền con
người, quyền công dân trong Hiến pháp cần được triển khai thực hiện ngay mà
không cần chờ văn bản hướng dẫn).
Riêng với các quy định về lĩnh vực quốc phòng-an ninh trong
Hiến pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã có kế hoạch rà
soát những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan để kiến nghị bãi
bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo lộ trình, trước hết là đối với dự
án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt
Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và
thông qua trong năm 2014. Theo kế hoạch, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
cũng sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2014) và thông qua
tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2015), theo hướng sẽ quy định một số hình thức phục
vụ dân sự thay cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ với thời hạn dài hơn
thời hạn phục vụ tại ngũ, nhằm từng bước khắc phục hạn chế, bất cập trong thực
hiện các quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự hiện hành, động viên sự
tham gia nhiều hơn của những công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, nhằm
hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong tình hình
mới, thể chế rõ hơn quan điểm của Đảng và tinh thần của Báo cáo giải trình,
tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tại kỳ họp thứ 6 ngay trước
khi Quốc hội thông qua Hiến pháp.
Quốc hội xác định, việc triển khai thi hành Hiến pháp là
một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong năm 2014 và các
năm tiếp theo. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích
cực, nghiêm túc của tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp
ủy Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của chính quyền, sự phối hợp của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.
Phương Đông