Trên thế giới, hiện nay
các nước đều quan tâm xây dựng một nền hành chính vững mạnh, năng động, phù hợp
trên nền tảng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp và được coi như là
một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Sự đa dạng về các đặc điểm lịch sử, chính
trị, kinh tế và xã hội của các nước trên thế giới cũng là một lý do cho sự đa
dạng về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Do vậy, cần có cái nhìn phân
tích và tổng quát khi tiếp cận với chế định này được quy định trong Hiến pháp
và pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Có thể lấy điển hình một số mô hình tổ chức chính quyền địa phương
như sau:
Mô hình Anh: mô hình này
được áp dụng tại các nước Anh, Mỹ, Canada, Australia, New Zeland và các nước
thuộc địa của Anh trước đây. Tính chất điển hình của mô hình này là điều chỉnh
theo chức năng, phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ theo 3 cấp là “county
(tỉnh, hạt) – borough – district” với đặc điểm Trung ương không phải là cơ quan
quản lý cấp trên của địa phương, các cấp chính quyền địa phương cũng độc lập
với nhau và hoạt động theo chức năng chứ không theo mệnh lệnh hành chính, không
thành lập Bộ Nội vụ. Chính quyền địa phương là Hội đồng địa phương do cử tri
bầu ra, trong đó Hội đồng địa phương làm cả chức năng của Hội đồng nhân dân và
của Uỷ ban nhân dân. Các Hội đồng địa phương thường thành lập rất nhiều uỷ ban
của mình để quản lý và điều hành công việc. Các uỷ ban xem xét mọi vấn đề của
địa phương và đưa ra các kiến nghị để hội đồng thông qua thành quyết định. Có
thể thấy mô hình trên phát huy được tính độc lập và toàn năng của tổ chức chính
quyền địa phương, nhưng cũng có mặt hạn chế là dẫn đến các cấp chính quyền có
mối quan hệ lỏng lẻo và phân cách.
Mô hình Pháp: mô hình này
được áp dụng tại các nước Pháp, một số nước Nam Âu, nhiều quốc gia Mỹ- Latin,
Thái lan. Tính chất điển hình của mô hình này là song trùng giám sát. Tổ chức
chính quyền địa phương phân chia thành 04 cấp: region – department –
arrodissement – commune. Mô hình Pháp có đặc điểm khác với mô hình Anh ở điểm:
Trung ương có vai trò rất lớn. Bộ nội vụ giám sát về mặt hành chính, các bộ
chuyên môn giám sát về mặt chuyên môn, kỹ thuật; Trung ương có đại diện ở các
cấp chính quyền địa phương, cơ cấu gồm Hội đồng, Uỷ ban và đại diện của trung
ương. Tính chất song trùng giám sát ở đây được thể hiện qua việc đại diện của
Bộ Nội vụ giám sát về mặt hành chính, đại diện của các Bộ khác giám sát về mặt
chuyên môn. Và do đó, về thực tiễn chính quyền địa phương theo mô hình này sẽ
có ít chức năng hơn so với mô hình Anh và mô hình tổ chức cũng rất cồng kềnh, phức
tạp.
Mô hình Đức: Mô hình này được áp dụng tại các nước
Đức, Bắc Âu, Nhật. Tính chất điển hình của mô hình này là phụ trợ lãnh thổ,
được phân chia thành 05 cấp: liên bang – bang – regierungsbezirke – kries –
gemeinde. Đây là mô hình mà chính quyền liên bang dựa vào chính quyền địa
phương trong việc quản lý và cung cấp các dịch vụ cho người dân. Việc phân chia
quyền lực theo nguyên tắc những gì địa phương làm tốt thì địa phương làm, trung
ương chỉ làm tốt những gì mà địa phương làm không tốt hơn. Một điểm khác với
hạn chế của mô hình Anh, đó là có sự phân chia rất rõ trách nhiệm của tững cấp,
cấp này làm thì cấp kia không làm, như thế sẽ có tính chủ động, đồng thời được
phân nhiệm vụ thì cũng được phân bổ ngân sách, có nguồn thu bảo đảm cho việc
thực hiện nhiệm vụ của mình.
Mô hình Liên Xô: Mô hình
này được áp dụng tại các nước Liên Xô cũ và các nước Đông Âu trước đây, ngày
nay được áp dụng ở Việt Nam, Trung Quốc, Cuba và một số nước châu Phi. Tính
chất điển hình của mô hình này là song trùng trực thuộc, có nghĩa là các cơ
quan nhà nước trực thuộc các cơ quan cấp trên theo chiều dọc và trực thuộc uỷ
ban chấp hành theo chiều ngang. Mô hình này không có sự phân chia theo cấp mà
tất cả các cấp chính quyền là bộ phận cấu thành của hệ thống nhà nước thống
nhất. Đặc điểm quan trọng của mô hình này là chính quyền địa phương chịu sự
lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp uỷ Đảng.
Tóm lại, mỗi cách thức tổ
chức mô hình chính quyền địa phương của các nước trên thế giới đều có những ưu
điểm và những hạn chế nhất định, và không tồn tại một mô hình tổ chức chính
quyền địa phương tuyệt đối lý tưởng. Do vậy, trong bối cảnh sửa đổi Hiến pháp
năm 1992 ở nước ta hiện nay cần nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc các mô hình
để xác lập cơ sở hiến định và pháp lý đủ để tạo ra bước đột phá trong tổ chức chính
quyền địa phương là rất có ý nghĩa.
Hiến pháp 1992 (sửa đổi
năm 2001) là bản Hiến pháp thể chế hoá đường lối đổi mới được khẳng định tại
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đã tạo ra một bước cải cách quan
trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm giải quyết các nhiệm
vụ của quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế - xã hội từ tập trung bao cấp sang
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, có nhiều quan
điểm cho rằng cách tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta mặc dù theo những
đặc thù riêng, song còn chứa đựng nhiều hạn chế. Do vậy, trên cơ sở nhận thức
về những vấn đề cơ bản của tổ chức chính quyền địa phương, có thể thấy việc xây
dựng để hoàn thiện thể chế bộ máy chính quyền các cấp là một vấn đề tất yếu và
cần quán triệt những vấn đề thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát huy
quyền chủ động, năng động, sáng tạo và tăng cường trách nhiệm của địa phương và
cơ sở trong cơ chế quản lý mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp
quyền.
Công Lý
Mô hình chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế là quá lệ thuộc vào cấp trên, chưa có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa cao. Dẫn đến một số hoạt động chưa đáp ứng với nhiệm vụ thực tiến hiện nay. Thiết nghĩ, cần phân cấp cụ thể hơn trong quản lý hành chính theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương. Cấp trên trực tiếp không làm thay hay quản lý quá sâu sát như hiện nay. Nếu được như vậy thì tính năng động, sáng tạo sẽ được phát huy, đẫn đến hiệu quả công việc sẽ cao hơn, phụ vụ nhân dân tốt hơn.
Trả lờiXóa