Đề xuất cho phép tự do thành lập đảng như một quyền lập hội.
Trong thời gian gần đây trên các phương tiện một số trang mạng internet đã đăng tin một số quan điểm kêu gọi thành lập một mới với tên gọi đảng Dân chủ xã hội khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng với quan điểm kêu gọi Nhà nước cho phép quyền tự do lập đảng chính trị, Luật sư Trần Vũ Hải đã đưa ra ý kiến, quan điểm của ông về “thành lập và tham gia đảng phái dưới góc độ của pháp luật Việt Nam hiện hành”. Là một độc giả đọc báo trên mạng, tôi xin có ý kiến như sau:
Thứ nhất, Đảng cộng cộng sản Việt Nam được nhân dân thừa nhận vai trò là lực lượng lãnh đạo đối với nhà nước và xã hội: cần nói rằng các quan điểm của quần chúng nhân dân trong xã hội đã và đang đóng góp ý kiến về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thể hiện rất dân chủ và cởi mở. Trong đó hầu hết những ý kiến đóng góp của nhân dân về Điều 4 Hiến pháp năm 1992 hiện hành và Điều 4, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều nhất trí theo hướng thừa nhận vai trò lãnh đạo độc tôn duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đặc biệt Điều 4, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn thể hiện rõ “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, sự tồn tại và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hiến định. Đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của hệ thống pháp luật. Bởi vậy, ở Việt Nam vai trò lãnh đạo của Đảng không chỉ được thể hiện trong Hiến pháp mà nó được thể chế hóa trong cơ chế tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Yếu tố đặc trưng trong hệ thống chính trị của Việt Nam đó là các thiết chế chính trị trong hệ thống chính trị cùng hoạt động dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản. Điều này tạo ra sự ổn định và đoàn kết trong hoạt động của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa MácLênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Như vậy, nếu ai đó đòi hỏi thành lập các đảng phái mới ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì những đảng phái mới này sẽ đại diện cho ai, mục đích hoạt động của nó có phá vỡ tính đại đoàn kết và ổn định của hệ thống chính trị hay không? Sự lo ngại này là có cơ sở. Hơn nữa sự thành lập một đảng chính trị mới và tham gia vào hoạt động chính trị của hệ thống chính trị của Nhà nước nước ta cần phải được tiến hành hợp pháp. Luật pháp hiện hành của nhà nước ta chưa cho phép, thừa nhận bất kỳ đảng phái chính trị nào ngoài Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Thứ hai, các quan điểm của những cá nhân đòi thành lập các đảng mới với mục đích là để thể hiện chính kiến của mình đóng góp ý kiến đa dạng của mình vào hoạt động của quản lý kinh tế, xã hội của bộ máy nhà nước ta là thiếu thuyết phục. Bởi lẽ, theo tôi Hiến pháp năm 1992 hiện hành và pháp luật Việt Nam hiện hành thừa nhận và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân về việc thể hiện chính kiến, quan điểm chính trị. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.(Điều 53, HP 1992). Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn khẳng định thêm “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.” (Khoản 2, Điều 29 Dự thảo). Những biểu hiện thực tế trong xây dựng pháp luật và chính sách của Nhà nước ta hiện nay đã ngày càng thể hiện thực tế các qui định nói trên của Hiến pháp hiện hành. Có lẽ hiếm có một quốc gia nào trên thế giới lại có chính sách tiếp thu ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân như cách làm của Việt Nam hiện nay trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Không chỉ đối với Hiến pháp, qui trình soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật của Việt Nam hiện hành theo Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2008 cũng bắt buộc phải tiếp nhận ý kiến nhân dân, ý kiến của các cấp ngành hữu quan trước khi ban hành một chính sách, qui định mới hay thay đổi pháp luật hiện hành. Ngoài ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện tính minh bạch và cởi mở khi công khai lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã và đang làm tốt vai trò phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc và có chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. Tóm lại. sẽ là thực sự thiếu thuyết phục khi ai đó cho rằng cần nhà nước cần phải thừa nhận quyền thành lập đảng phái chính trị ngoài Đảng cộng sản để họ có điều kiện thể hiện các quan điểm chính trị pháp lý của những người trong các đảng phái chính trị mới đó. Chúng ta những người dân yêu nước, nên quan tâm và bàn về cơ chế hiệu quả hơn nữa cơ chế tiếp nhận góp ý và phản biện của nhân dân đối với chính sách và các vấn đề chính trị pháp lý của đất nước hơn là quan tâm đến việc thành lập thêm đảng mới.
Thứ ba, chúng ta không nên hiểu sai bản chất của Hiến pháp năm 1992 về quyền lập hội và quyền tham gia và thành lập các đảng phái chính trị. Điều 69 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Theo tôi hiểu thì quyền lập hội của công dân được Hiến pháp năm 1992 thừa nhận hoàn toàn không đồng nghĩa với quyền tham gia và thành lập đảng phái chính trị của công dân. Ngay cả với các nước tư bản, quyền lập hội luôn được cởi mở cho mọi công dân, tuy nhiên quyền thành lập một đảng phái chính trị để tham gia vào hoạt động chính trị cũng luôn phải tuân thủ một trình tự thủ tục luật định chặt chẽ. Ở các nước Tư bản, công dân luôn phân biệt được bản chất vấn đề lập hội và lập đảng phái chính trị. Thậm chí, nhà nước Tư bản đôi khi vẫn thể hiện thái độ của họ với các Đảng phái chính trị trong nước và nước ngoài. Lịch sử chính trị của nước Đức cho thấy, ngày 17/8/1956, Tòa án Hiến pháp nước Đức đã ra quyết định giải tán và cấm hoạt động đối với Đảng Cộng sản (Communist Party of Germany (KPD) ở Tây Đức. Đối với dân ta, trong điều kiện chính trị ở Việt Nam hiện nay, không nên tuyệt đối hóa cho rằng đời sống chính trị của xã hội các nước tư bản hoàn toàn tự do quyền thành lập các đảng chính trị. Để đảm bảo sự ổn định và an ninh trật tự của Việt Nam hiện nay, việc lập hội, biểu tình phải tuyệt đối tuân thủ theo qui định của pháp luật. Ranh giới giữa biểu tình dân chủ và bạo động là rất mong manh trong mỗi đất nước. Điều này chúng ta đã nhìn thấy rõ ở các nước phưởng Tây, tình hình ở Ai Cập, Syria … gần đây cho thấy hoạt động biểu tình gắn với quan điểm xung đột của các chính đảng luôn là một vấn đề phức tạp. Bởi vậy, sẽ là hợp lý cho tình hình chính trị của Việt Nam nếu chúng ta không lặp lại vết xe đổ đau thương của nhiều nước ngoài khác. Trong những nước đó thực tế các đảng phải chính trị đua nhau thành lập và tranh giành quyền lợi để đẩy đất nước vào cảnh mất ổn định chính trị,
Thứ tư, tôi hơi e ngại khi trên mang internet có đăng quan điểm cho rằng quyền lập đảng chính trị của công dân ở Việt Nam đã được thể chế hóa trong các luật. Đặc nếu cho rằng nhu cầu thành các đảng phái chính trị mới được lập ngoài Đảng cộng sản Việt Nam đã được đảm bảo bằng qui định của Điều 104, Bộ luật dân sự năm 2005 thì hơi vội vàng. Theo tôi, bản chất của Điều 104, BLDS 2005 qui định về tư cách pháp nhân là tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp chứ không phải là thừa nhận tư cách pháp nhân hợp pháp của các đảng chính trị như ý kiến của một số người mong muốn được Nhà nước cho phép thành lập.
Cuối cùng, tôi mong muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta hay nhìn nhận thấu đáo vấn đề nào là cốt yếu cho sự phát triển của đất nước. Mỗi dân tộc có một đặc điểm lịch sử của riêng mình. Tương tự, mỗi hệ thống pháp luật của một quốc gia có một những trình độ phát triển nhất định. Chúng ta không nên bảo thủ để tụt hậu, nhưng chúng ta không nên vội vàng khi copy mô hình thể chế chính trị ở nước ngoài vào Việt Nam, nhất là vấn đề tự do hóa việc thành lập các Đảng phái chính trị. Tôi mong rằng mọi người dân Việt Nam hãy đóng góp ý kiến mang tính thiết thực để củng cố chế độ của chúng ta thực sự là một nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân./.
*Hoa Phượng @